Cà phê thật và giả
1. trạng thái của bột cà phê thật khi gặp nước sôi
Đây là điểm mà bạn rất dễ dàng nhận biết để phân biệt chính xác cà phê nguyên chất với cà phê độn hay bột của các loại hạt ngũ cốc khác. Như đã nhận định, do hạt cà phê được cấu tạo bởi cấu trúc sợi celluose và chứa rất ít tinh bột, nên thuộc tính đặc biệt của bột cà phê rang là rất tơi xốp, và chứa nhiều khoang không khi bên trong do cấu trúc cao phân tử, các sợi cellulose bị bẻ gảy dưới tác động nhiệt trong quá trình rang …
Khi bạn chế nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bột mạnh, thậm chí tràn ra cả ngoài phin. Nếu sau khi cho vài muỗng bột (khoảng 20-25g) vào phin, bạn chế nước sôi vào mà thấy bột trong phin không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống , lịm xuống và bốc mùi thơm thì bạn biết chắc chắn trong phin nầy có rất rất ít cà phê. Trái lại, trong loại bột nầy có tỷ lệ phần trăm rất nhiều bột của các loại hạt khác được tẩm hương liệu nhân tạo nồng độ cao.
Bột bắp, bột đậu rang khi gặp nước sôi trở nên dẻo, dính và xẹp xuống do các loại ngũ cốc luôn có chứa nhiều tinh bột. Trái lại cà phê được cấu tạo bởi các hợp chất cao phân tử cellulose, chứa rất ít tinh bột. Quá trình rang hạt cà phê nở lớn, bên trong tạo ra các khoang không khí, gặp nước sôi, không khí bên trong nở lớn, làm sủi bọt bột cà phê và khiến bột cà phê thật trào lên trong phin. Đây là một hiện tượng rất dễ nhận ra.
2. Màu của nước cà phê
Cà phê là một loại hạt khá kỳ lạ. Dù bạn rang nó đến nhiệt độ cao bao nhiêu, thời gian lâu bao nhiêu, và cháy gần thành than, rồi bạn xay ra bột và pha thành ly cà phê, thì màu nước của nó cũng không hề có màu đen thui, đen đục và đen đậm như thường nhìn thấy các ly cà phê ở phần lớn các quán.
Ly cà phê thật luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách, một màu nâu rất trong trẻo. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng.
3. Độ sánh của nước cà phê
Khi pha, nước của ly cà phê thật có độ sánh hầu như không đáng kể. Trái với cà phê độn, nước của bắp và đậu rang vốn chứa nhiều tinh bột nên sẽ rất sánh, sánh đến dẻo quẹo.
Các bà nội trợ vẫn hay dùng bột bắp trong nhà bếp vì tính chất này. Một số người tiêu dùng còn tự hào rằng mình là người hiểu biết về cà phê, cho rằng, ly cà phê ngon thì nước trong ly cà phê phải kẹo kẹo, bám trên thành ly và phải “ôm đá” và viên đá trong ly cà phê phải có màu nâu do nước cà phê song sánh, dẻo kẹo bám lấy đá.
Nhưng điều đó chính là bằng chứng cho thấy trong ly cà phê ấy chỉ có rất ít cà phê mà toàn đậu nành rang. Đậu nành rang chứa nhiều tinh bột hiển nhiên là rất “ôm đá”. Cà phê thật không sánh dẻo và không “ôm đá”.
4. Mùi thơm của ly cà phê pha
Cà phê bột lẫn cà phê pha có một mùi thơm rất đặc trưng, rất quyến rũ. Tuy nhiên đây có thể là điểm bạn rất khó phân biệt nhất. Có thể nói bạn chỉ có thể phân biệt được mùi của ly cà phê nguyên chất với mùi của hương liệu hóa học khi bạn đã nhiều lần và thường xuyên uống cà phê nguyên chất. Nhiều loại cà phê bột điều đã được tẩm hương liệu.
Hương thơm đích thực và nguyên thủy của cà phê không nồng nực, không thô bạo, không mạnh mẽ, nhưng dịu dàng, lưu luyến, thanh cao, tinh tế và sâu lắng, đôi lúc làm ngây ngất người yêu cà phê…
Thật khó diễn tả, nhưng nếu quen với mùi cà phê nguyên chất bạn sẽ phát hiện ra mùi hóa chất tuy giả khá giống mùi cà phê nhưng vẫn là giả tạo, vẫn mang hương vị gay gắt, tuy mạnh mẽ, dai dẵng nhưng thô thiển và gây cảm giác nặng nề, không giống như mùi thanh cao của chính hạt cà phê đích thực…